Gà nòi là giống gà nội địa Việt Nam, thường được nuôi để làm gà chọi, mỗi địa phương đều có giống gà nòi riêng nổi tiếng. Được biết, gà nòi là một trong ba giống gà có khả năng chiến đấu cao gồm gà nòi, gà rừng và gà tre. Tuy nhiên, gà nòi và gà tre đều là giống gà nhà, còn gà rừng chiến đấu lẫn sinh tồn ở nơi hoang dã. Gà nòi là loài có khí chất dũng mãnh, dáng vẻ oai vệ, sở hữu khả năng chiến đấu mạnh mẽ với những đòn hiểm hóc, đẹp mắt. Đây cũng là giống gà tiêu biểu ở nước ta, hầu như mọi người đều từng nghe nói đến. Hãy cùng Gà Chạy Bộ tìm hiểu các thông tin cụ thể về giống gà này, cũng như cách chăm sóc và nuôi dưỡng sao cho gà phát triển tốt nhất nhé.
Danh mục
Đặc điểm và nguồn gốc gà nòi
Gà nòi có ở khắp các tỉnh thành, thuộc ba miền Bắc Trung Nam, thường được gọi là gà chọi hoặc gà đá. Mỗi vùng miền có cách gọi khác nhau, miền nam thường gọi là gà nòi, miền bắc gọi là gà chọi, còn miền trung thì gọi là gà đá.
Về ngoại hình, gà nòi có một số đặc điểm nhất định, dễ phân biệt với các giống gà khác như con trống có lồng màu xám, màu đỏ xen lẫn thêm một vài vệt xanh biếc; con mái thì có màu xám đá, vóc dáng to với đôi chân và cái cổ cao. Do cách nuôi và huấn luyện khác nhau, nên giống gà này ở mỗi vùng cũng có nhiều điểm độc đáo riêng.
Miền Bắc
Gà nòi miền bắc gọi là gà chọi, được nuôi tập trung theo lối nuôi gà đòn, tức là sử dụng các thế đòn để hạ gục đối phương. Tuy gà ra đòn chậm nhưng mạnh mẽ, hiểm hóc, hầu hết đối thủ đều nguy hại tính mạng. Gà nòi ở đây thường đến chủ yếu từ gà Thổ Hà (Bắc Giang) hay gà Đồ Sơn (Hải Phòng) hoặc Nghi Tam, Nghĩa Vân, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La…
Miền Trung
Gà nòi miền trung không những đẹp về ngoại hình, mà còn vô cùng thiện chiến, có thể khắc lối gà phía đối thủ một cách tài tình. Một số lò gà nổi tiếng ở đây phải kể đến: Phan Rang, Vạn Giã, Sông Vệ, Sa Huỳnh, gà đòn Bình Định, Hoài Châu, Mộc Bài, Gò Bồi, Phú Tài, Tây Sơn, Bắc Sông Kôn…
Miền Nam
Gà nòi ở miền nam thường chủ yếu là gà đá cựa, có cựa sắt ở chân hoặc chuốt cựa thật bén. Khi chơi gà cựa, người ta thường chỉ chú ý thắng thua, tính sát phạt cao, chứ không chiêm ngưỡng cái tài nghệ của gà. Một số lò chiến kê nổi danh ở miền nam như: Chợ Lách, Cao Lãnh, Bà Điểm, Châu Đốc…
Cách chọn giống gà nòi
Để đảm bảo chất lượng gà nói mạnh mẽ và đạt năng suất tốt nhất, mọi người nên chú ý vào khâu chọn giống. Nếu muốn nuôi gà nòi lấy thịt thì nên chọn gà nòi giống lai với gà ta để đảm bảo lớn nhanh, thịt chắc ngon, còn nếu muốn nuôi lấy giống gà chiến, thì nên lựa chọn gà giống khỏe mạnh và đẹp mã.
Ngoài ra, mọi người cũng nên chú ý một số đặc điểm bên dưới để chọn được gà nòi giống tốt nhất như gà có miệng rộng, mỏ to, thân thủ nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lông mịn màng, không có bệnh hay dị tật nào. Đặc biệt, mọi người nên chọn mua tại những địa điểm uy tín, có tiêm phòng vắc-xin cho gà định kỳ và hỗ trợ trao đổi cách nuôi, cũng như chăm sóc gà.
Kinh nghiệm nuôi và phòng trị bệnh cho gà nòi
Xây dựng chuồng trại cho gà nòi
Chuồng trại dành cho gà nòi nên đảm bảo các tiêu chí dưới đây:
- Cần đảm bảo không gian chuồng trại phù hợp với số lượng gà được nuôi, thông thường mỗi con gà cần không gian từ 30-50cm
- Chuồng trại nên được thiết kế thông thoáng, mát mẻ, nhưng vẫn phải che chắn kỹ lưỡng tránh gió lùa
- Nên tham khảo ý kiến của những kỹ sư nông nghiệp hoặc những người từng có kinh nghiệm chăn nuôi gà nòi để học hỏi
- Cần lắp đặt các thiết bị nhằm hạ nhiệt vào mùa hè như hệ thống phun nước, tránh tình trạng chuồng trại quá nóng
- Trang bị dàn đèn sưởi bên trong chuồng trại của gà nòi để giữ ấm khi cần thiết
- Cần xây khu vực tổ riêng để gà thuận tiện ấp
Thức ăn của gà nòi
Gà nòi giống mang về, cho ăn thức ăn chính chính là ngũ cốc, hạt ngô, thóc, trong đó thóc là tốt nhất. Bên cạnh đó, mọi người có thể điều chỉnh loại thức ăn cho gà theo từng thời kỳ như sau:
- Khi gà con đã tách được ra khỏi gà mẹ, cho gà ăn cám gạo 10%, ngô 20%, cá tươi nấu chín 20%, thóc 30% và rau 20%.
- Khi gà đạt đến 0.5kg thì có thể cho gà ăn thêm phần thức ăn công nghiệp khoảng 30%.
- Khi gà chuẩn bị đi thi đấu, nên cho gà ăn lúa 0.25kg, giá đỗ 0.10kg, thịt bò và lươn 0.1kg mỗi ngày, đồng thời cũng bổ sung thêm lòng đỏ trứng, vịt lộn, tép, chuối Xiêm, giun.
Chăm sóc và phòng bệnh cho gà nòi
Mọi người nên thường xuyên vệ sinh chuồng gà sạch sẽ, mỗi sáng chú ý mở cửa chuồng để đón nắng, giúp tiêu diệt virus vi khuẩn và các mầm bệnh. Đồng thời, nên rửa máng ăn, máng uống cho gà định kỳ, tuyệt đối không để mảng bám và thức ăn ôi thiu qua ngày. Bên cạnh đó, mọi người phải tẩy uế mùi hôi thối cho chuồng trại gà nòi mỗi tháng ít nhất 1 lần.
Đặc biệt, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gà phải được thực hiện đúng thời kỳ, đúng liều lượng, đảm bảo chất lượng và sức khỏe của gà nòi trong giai đoạn phát triển. Cụ thể như sau:
- Lúc 3 đến 5 ngày tuổi, tiêm vacxin Newcastle chủng F bằng cách nhỏ mắt hoặc mũi cho gà.
- Lúc 7 ngày tuổi, tiêm vắc xin phòng bệnh đậu gà cho gà nòi.
- Lúc 8 đến 10 ngày tuổi, tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh Gumboro cho gà
- Lúc 21 ngày tuổi, trộn vắc xin Newcastle chủng Lasota vào thức ăn hoặc là nước uống cho gà
- Lúc 23 đến 25 ngày tuổi, tiêm phòng nhắc lại vắc xin Gumboro cho gà.
- Lúc 30 đến 45 ngày tuổi, tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho gà.
- Lúc 60 ngày tuổi, tiêm vắc xin Newcastle chủng M cho gà.
Gà nòi là một trong những giống gà tiêu biểu ở Việt Nam, vô cùng phổ biến trong cộng đồng dân cư, nhất là ở những miền làng quê. Việc chăn nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho gà nòi đòi hỏi người chủ phải nắm được những nguyên tắc, đảm bảo năng suất và chất lượng, cho gà phát triển khỏe mạnh cũng như có ngoại hình đẹp nhất. Mong rằng những thông tin mà Gà Chạy Bộ vừa cung cấp ở trên có thể giúp bạn nắm được cách thức nuôi gà tốt nhất, từ đó thu được lợi nhuận lớn khi gà trưởng thành.
Reviews
There are no reviews yet.